thegioiceo.com
Online 122 | Đăng nhập
Khi những 'gã khổng lồ' lắm tiền hợp lực chinh phục thế giới
27-02-2011  5551
Môi trường kinh doanh quốc tế đang và sẽ có những biến động mạnh khi mà những “gã khổng lồ” lắm tiền, nhiều của hợp lực lại để chinh phục thế giới.

Nhìn vào môi trường kinh doanh quốc tế thời gian qua, dường như đâu đâu cũng thấy xuất hiện những kỷ lục mới. Thế giới kinh doanh luôn biến động và môi trường kinh doanh quốc tế chịu tác động mạnh mẽ từ nhiều tác nhân khác nhau nên cũng không ngừng biến động. Nhưng chiều hướng biến động không chỉ phản ánh thực tại mà còn giúp phần nào dự báo được tương lai. Vì thế, chúng rất đáng được để ý đến.

Những kỷ lục mới

Tình hình chính trị nội bộ và an ninh ở Bắc Phi và Trung Đông chi phối chính trường thế giới và đã phần nào làm suy giảm sự quan tâm theo dõi tới môi trường kinh tế quốc tế. Cũng phải thôi, vì khu vực này cũng là bộ phận của môi trường kinh tế quốc tế. Giá dầu tăng đến mức độ kỷ lục trong gần 2 năm qua cũng có một phần lý do bởi những chính biến ở hai khu vực này. Chưa biết đến khi nào làn sóng chính biến này mới lắng xuống và hậu quả của nó mới được khắc phục ổn thỏa, nên hiện cũng chưa thể nói được khi nào giá dầu lửa có thể bắt đầu giảm. Nhiều khả năng giá dầu vẫn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cả sự biến động của giá nguyên vật liệu và lương thực cũng biến động theo chiều hướng như giá dầu. Mức độ kỷ lục của chúng đã khiến cho không ít nơi lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực và không đảm bảo cung ứng nguyên vật liệu. Hậu quả có thể xảy ra là gia tăng bất ổn trong nội bộ xã hội ở những nơi bị khủng hoảng lương thực cũng như toàn bộ quá trình phục hồi tăng trưởng và thoát khỏi suy thoái của các nền kinh tế trên thế giới.

Nói đến kỷ lục mới trong thời gian vừa qua trên phương diện này không thể không đề cập đến ba sự việc không có được sự đồng thuận trong đánh giá và phân tích của nhiều người. Thứ nhất là chuyện hợp nhất giữa sàn giao dịch chứng khoán Đức (DB) với sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Cả hai đều khổng lồ thuộc loại nhất nhì trong thế giới chứng khoán. Cái tên của liên minh mới vẫn chưa được xác định bởi hai bên chưa nhất trí được với nhau: đặt DB trước NYSE hay ngược lại. Dẫu sao, điều chắc chắn là cuộc “hôn nhân” này sẽ sinh ra một sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, bỏ xa các cấp độ liên danh hay liên kết, liên hiệp hay liên minh đã từng xảy ra từ trước tới nay. Với lợi thế khó có ai khác có thể đuổi kịp về tiềm lực tài chính và với sự phân chia lãnh địa kinh doanh mới, cụ thể là chuyên về cổ phiếu và các sản phẩm chứng khoán khác, cả DB lẫn NYSE đều muốn có vị thế cạnh tranh thuận lợi nhất và ít bị đe dọa nhất trong xu thế giao dịch tại sàn cứ ngày càng bị thu hẹp cả về mức độ lẫn ý nghĩa và giao dịch điện tử ngày càng bành trướng mạnh mẽ.

Kỷ lục thứ hai đã được lập trên lĩnh vực công nghệ truyền thông, mà cụ thể là điện thoại di động, với sự liên minh giữa Nokia của Phần Lan và Microsoft của Mỹ. Cả hai đều là những người khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh của mình, đó là điện thoại di động đối với Nokia và công nghệ phần mềm đối với Microsoft. Mục tiêu bổ sung và hỗ trợ cho nhau bộc lộ rất rõ trong cuộc “hôn nhân” này. Nokia muốn nhờ cậy vào chương trình phần mềm Windows Phone 7 của Microsoft để giành giật thị phần về điện thoại di động thông minh (smartphone) với các đối thủ cạnh tranh khác, còn Microsoft muốn dùng Nokia để cạnh tranh với những chương trình phần mềm cho điện thoại di động thông minh hiện đang thắng thế của cả Apple lẫn Google. Vậy là cả thị trường điện thoại di động thông minh lẫn thị trường chương trình phần mềm cho chủng loại điện thoại đang mốt thời thượng này sẽ bị xáo trộn trong tương lai gần.

 

Phải gây dựng và duy trì được thế chủ động trong mọi quyết sách để đối phó với sự biến động của môi trường kinh doanh quốc tế

Kỷ lục thứ ba đáng được kể đến được thực hiện trên lĩnh vực tiền tệ. Dưới áp lực của Đức và Pháp, EU đã chấp nhận tăng gấp đôi khả năng tài chính dự phòng để đối phó với cuộc khủng hoảng của đồng Euro. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, chưa khi nào EU huy động và chuẩn bị khả năng tài chính ở mức độ như bây giờ. Thực chất, biện pháp của EU đâu có khác gì bảo hộ cho giá trị của đồng Euro. Có nhiều cách bảo hộ giá trị tiền tệ khác nhau chứ đâu chỉ có riêng mỗi cách thông qua tỷ giá hối đoái như Mỹ và EU cáo buộc Trung Quốc từ lâu nay. Trong bối cảnh các quốc gia và các nhà lãnh đạo ra sức hô hào thúc đẩy để có được một môi trường cạnh tranh thực sự công bằng và mậu dịch thực sự tự do trên bình diện toàn cầu thì làm gì có sự phân biệt giữa bảo hộ tốt và bảo hộ xấu! Trong EU cũng đã đề cập ngày càng nhiều đến sự định hình của một kiểu “chính phủ kinh tế cho cả EU”. Từ giác độ nhất thể hóa chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ mà nói thì đó cũng là một kỷ lục mới của EU.

 

Liệu lượng có chuyển thành chất?

Những biến động nổi bật về lượng nói trên trong môi trường kinh tế quốc tế rất đáng được chú ý, nhưng quan trọng hơn vẫn là phải trả lời được câu hỏi về tác động và hiệu quả thực tế của chúng, hay nói cách khác là câu hỏi liệu tăng lượng có tự khắc làm cho chất tăng hay không.

Câu trả lời liên hệ vào những kỷ lục nói trên thật không thể dễ dàng có được. Việc những người khổng lồ “kết bè” với nhau tạo ra cơ hội và khả năng mới cho họ và làm thay đổi môi trường kinh doanh chung và liên quan đến họ, nhưng chưa phải là sự đảm bảo để có thể tạo ra được sức mạnh và tác động cộng hưởng, khích lệ các đối thủ cạnh tranh tập hợp nhau lại hoặc có đối sách cạnh tranh quyết liệt và hiệu quả hơn. Mười một ngôi sao bóng đá đâu đã chắc chắn tạo ra được một đội tuyển bách chiến bách thắng. Chàng khổng lồ nào cũng đã bộc lộ gót chân Achilles mà chưa chắc việc liên kết với đối tác khác đã đủ để bảo vệ được mãi điểm yếu chết người ấy. Cả đối với EU cũng không thể loại trừ câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, cho dù cũng đã từng có lần “nhân định, thắng thiên định”.

Vậy nên, nhìn nhận về những biến động trong môi trường kinh doanh quốc tế thời gian qua luôn nên lưu ý thỏa đáng tới tính tương đối của sức mạnh. Xét về số lượng tuyệt đối, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, nhưng tính theo đầu người thì Trung Quốc vẫn còn kém xa Nhật Bản. Điều đáng chú ý thứ hai là mọi cái đều có thể thay đổi. Kẻ mạnh có thể bị suy yếu nhanh chóng. Kẻ yếu có thể mạnh lên nhanh chóng. Không phải cuộc hợp nhất nào cũng đều đưa lại kết quả như các bên hợp nhất mong đợi. Bài học mà tất cả các nền kinh tế và các doanh nghiệp có thể rút ra được từ biến động của môi trường kinh doanh quốc tế là phải gây dựng và duy trì được thế chủ động trong mọi quyết sách đối phó, nếu không thì cái hào quang và oanh liệt của quá khứ sẽ chẳng giúp họ thoát khỏi khó khăn và trở thành mục tiêu bị thâu tóm. Cách đây không lâu, nào có ai nghĩ rằng rồi có ngày đồng Euro lâm vào khủng hoảng đến như vậy, Nokia và Microsoft phải đứng nhờ trên đôi chân của kẻ khác và NYSE phải chấp nhận thất thế một cách tương đối trước DB.

Nguồn : Doanh Nhân Sài Gòn


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus